Sự nghiệp xuất bản William_Randolph_Hearst

Năm 1887, tìm kiếm một công việc, ông đã nắm quyền quản lý của tờ báo mà cha ông đã mua năm 1880, tờ San Francisco Examiner. Với phương châm lớn là "Vua của các tờ báo ngày", ông đã đưa về tờ báo những thiết bị tốt nhất và những tay viết giỏi nhất thời đó, bao gồm Mark TwainJack London. Tự xưng là một người theo chủ nghĩa dân tuý, Hearst liên tục công bố những bài viết về đời sống đô thị và các cuộc bê bối tài chính. Trong vòng một vài năm, tờ báo của ông thống trị thị trường San Francisco.

Năm 1896, nhận được sự hỗ trợ tài chính từ mẹ ông, Hearst mua tờ báo sắp phá sản New York Morning Journal, thuê những tay viết như Stephen Crane và Julian Hawthorne. Bằng hành động này, ông đã lao vào cuộc chiến phát hành trực diện với Joseph Pulitzer, chủ nhân của tờ New York World. Ông "đánh cắp" từ Pulitzer nhiều nhân lực, bao gồm Richard F. Outcault, cha đẻ của truyện tranh màu, và toàn bộ nhân viên tờ báo Chủ nhật.[3] Tờ báo của ông là tờ báo lớn duy nhất của bờ Đông nước Mỹ ủng hộ William Jennings Bryan và chế độ tiền tệ hai bản vị. Sau đó, giá bán của tờ Journal (sau đổi thành New York Journal-American)được hạ xuống 1 cent. Điều này cùng với những hàng tít bắt mắt và những bài viết giật gân về tội phạm hay những tin tức đội lốt khoa học đã khiến tờ báo nâng con số phát hành lên một mức độ chưa từng thấy.

Để hỗ trợ một phần cho tham vọng chính trị của mình, Hearst đã mở một số toà báo ở các thành phố khác của nước Mỹ, trong đó có Chicago, Los Angeles và Boston. Việc ra báo ở Chicago do Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ yêu cầu và Hearst sử dụng việc này như một cái cớ để mẹ ông chuyển cho ông khoản tiền cần thiết giúp việc gây quỹ ban đầu. Đến giữa thập niên 1920, ông đã có một chuỗi 28 tờ báo trên toàn quốc, trong đó có Los Angeles Examiner, Boston American, Atlanta Georgia, Chicago Examiner, Detroit Times, Seattle Post-Intelligencer, Washington Times, Washington Herald, và tờ báo đầu tiên San Francisco Examiner. Ông còn nắm giữ cổ phần của hai dịch vụ tin tức, một công ty sản xuất phim tên là Cosmopolitan Productions, nhiều bất động sản của khu vực mở rộng của thành phố New York, hàng ngàn acres đất ở California và México, cùng nhiều lợi tức trong ngành khai thác gỗ và khai mỏ.

Đế chế truyền thông của Hearst đạt đến đỉnh điểm phát hành cũng như doanh thu vào năm 1928, nhưng sự sụp đổ kinh tế của cuộc Đại khủng hoảng và gánh nặng của việc mở rộng quá mức khiến ông phải trả giá. Không thể thanh toán những khoản nợ đến hạn, tập đoàn Hearst đối mặt với một cuộc tái cơ cấu do toà án chỉ định vào năm 1937. Từ thời điểm đó, Hearst chỉ là một nhân viên, thừa hành mệnh lệnh của một người quản lý bên ngoài. Báo, tạp chí và các tài sản khác phải thanh lý, công ty phim đóng cửa, ngay cả các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ cũng được mang ra đấu giá công khai. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong khi số phát hành và doanh thu quảng cáo bắt đầu phục hồi, Hearst lại không còn đủ sức lực nữa. Ông qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1951, ở tuổi 88, tại Beverly Hills, California, và được chôn cất tại Cypress Lawn Memorial Park ở Colma, California.

Tập đoàn Hearst (Hearst Corporation) tiếp tục hoạt động như một công ty truyền thông tư nhân lớn với trụ sở chính ở New York cho đến ngày nay.